Càng ngoáy càng lùng bùng
“Tôi hay đi hớt tóc, ngoáy tai. Mỗi lần vậy, vài ngày sau lại thấy ù tai, nghe có tiếng ồ ồ như gió thổi trong tai, khả năng nghe giảm hẳn. Ngoáy để làm sạch tai, đỡ ngứa tai mà sao càng ngoáy càng lùng bùng vậy bác sĩ?”.
Nhiều người thường có thoi quen cắt tóc, lấy ráy tai - Ảnh: google.com |
Khá nhiều bệnh nhân than phiền với bác sĩ như vậy. Đây là những triệu chứng của tổn thương ống tai ngoài.
Ngoáy mọi lúc mọi nơi
Cắt tóc, lấy ráy tai đã trở thành chuyện bình thường đến nỗi chẳng ai lưu tâm đến mặt trái của nó. Tuy nhiên, việc lấy ráy tai tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm và bất lợi bởi dụng cụ để lấy ráy tai kém vệ sinh, sử dụng cho nhiều người mà chỉ lau chùi qua loa cho sạch bụi bẩn. Chúng khá sắc, dễ gây tổn thương những cấu trúc vốn khá mong manh của ống tai khi ngoáy. Có người còn thủ sẵn que móc tai ở những nơi bụi bặm và vô cùng mất vệ sinh như trong túi xách, hộc bàn, khe tủ... và vô tư đưa lên ngoáy tai mỗi khi có thể.
Lại có người khác dưỡng móng tay út thật dài để ngoáy tai cho đã ngứa. Có người sử dụng tất cả những vật dụng sẵn có để ngoáy tai như gọng kính, chìa khóa, tăm xỉa răng... Với những hành vi như vậy dễ hiểu tại sao có nhiều người càng ngoáy càng... lùng bùng lỗ tai.
Tai người là một cấu trúc có chức năng vô cùng tinh xảo, gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài ngăn cách với tai giữa bằng màng nhĩ. Màng nhĩ tiếp nhận âm thanh, năng lượng của sóng âm sẽ biến thành năng lượng cơ học làm chuyển động xương búa, xương đe và xương bàn đạp theo kiểu liên hoàn.
Lực cơ học này sẽ tác động lên ốc tai (tai trong) làm thay đổi trong thể dịch của ốc tai, sự thay đổi thể dịch này được não giải mã thành những tín hiệu âm thanh. Sự toàn vẹn và mềm mại của màng nhĩ đóng vai trò quan trọng trong sự nghe. Trong khi cấu trúc này lại rất dễ bị tổn thương bởi tình trạng viêm nhiễm, những chấn thương do khí áp (tiếng ồn) và việc ngoáy tai thô bạo.
Ráy tai vô tội
Ráy tai là chất dịch nhầy do những tế bào tuyến trong ống tai ngoài tiết ra, có chức năng chống lại sự xâm nhập của những vi sinh vật lạ (khi có một chú kiến nào đó đi lạc vào tai tức thì sẽ bị ráy tai bao vây và cô lập). Dưới tác động của những nhung mao trên bề mặt của tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô và bong ra ngoài.
Cấu trúc giải phẫu của ống tai khá đặc biệt là lớp niêm mạc (có chứa các tế bào tuyến) phủ trực tiếp trên ống xương mà không có những cấu trúc đệm như những cấu trúc khác trong cơ thể nên lớp niêm mạc này rất dễ bị tổn thương do những lực cơ học từ việc ngoáy tai. Khi lớp niêm mạc này bị tổn thương sẽ gây ra hai hậu quả: một là làm tăng bài tiết chất nhầy, hai là nhiễm trùng tại những nơi bị thương tổn.
Những vi trùng và nấm gây ra viêm nhiễm có thể ở tại chỗ trong ống tai ngoài hoặc từ ngoài đưa vào thông qua những dụng cụ ngoáy tai bẩn. Đa số trường hợp nhiễm trùng này ở thể mãn tính, khu trú, ít gây ra những triệu chứng nhiễm trùng như sốt, đau tai, trừ những bệnh nhân bị đái tháo đường hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng chính là ngứa tai (phản ứng viêm làm giải phóng các hóa chất trung gian như histamine, bradykinin, serotonin... gây ra ngứa), ù tai, nghe có tiếng ồ ồ như gió thổi hoặc xe chạy trong tai rất khó chịu, khả năng nghe giảm. Ráy tai nhiều lên trong trường hợp ống tai bị viêm nhiễm, nhưng nó là hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Rất nhiều người nhầm lẫn là ráy gây ra ngứa tai nên cố sống cố chết ngoáy, càng ngoáy càng đưa thêm vi trùng và nấm vào tai làm tình trạng tổn thương niêm mạc của ống tai nặng hơn nữa, dẫn đến nhiễm trùng nặng thêm.
Gần đây xuất hiện dịch vụ lấy ráy tai cao cấp trong các spa, lấy ráy tai bằng nhiệt đèn cầy (ear-candling). Tuy nhiên như đã nói ở trên, đa số trường hợp không cần phải lấy ráy tai, dùng nhiệt coi chừng cháy tai chứ không lợi ích gì!
Để tránh bị ngứa tai, ù tai... chỉ có cách duy nhất là không ngoáy tai nữa. Nếu không thể “nhịn” được thói quen vô bổ này thì sử dụng tăm bông sạch thấm nước muối sinh lý và lau tai nhẹ nhàng, mỗi tai dùng một tăm bông riêng biệt để tránh lây nhiễm từ tai bệnh sang tai lành.
TTO
Post a Comment