Mỹ phẩm không có tác dụng trị mụn, giảm béo

Kể từ 1-4, mỹ phẩm mới đưa ra lưu thông trên thị trường sẽ không được công bố các tác dụng như trị mụn, giảm béo, làm săn chắc, ngăn chặn lão hóa..., những cụm từ rất phổ biến hiện nay.

Trang web vatgia... quảng cáo nhiều sản phẩm dầu gội có tính năng trị gàu - Ảnh: T.T.D.

Không có tác dụng điều trị

Theo hướng dẫn trong thông tư mới nhất của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm có hiệu lực từ 1-4, Bộ Y tế sẽ không chấp nhận các hồ sơ công bố mỹ phẩm có các tính năng như:

- Loại bỏ gàu vĩnh viễn, phục hồi tế bào tóc, nang tóc, làm dày sợi tóc, chống rụng tóc, kích thích mọc tóc (sản phẩm chăm sóc tóc).

- Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn, xóa sẹo, săn chắc cơ thể, săn chắc ngực, ngăn chặn sự thoái hóa do tuổi tác, giảm mỡ, giảm béo, diệt virus, giảm dị ứng (sản phẩm chăm sóc da).

- Tăng cường cảm xúc, hấp dẫn giới tính (nước hoa).

- Chữa trị hay phòng chống các bệnh nha chu, apxe răng, răng xô lệch, ố răng do tetraxylin, viêm lợi, loét miệng, nhiễm trùng răng miệng (sản phẩm chăm sóc răng miệng).

- Dừng quá trình ra mồ hôi (sản phẩm ngăn mùi)...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phòng quản lý chất lượng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cơ quan xây dựng hướng dẫn này, cho hay so với quy định hiện hành, hướng dẫn mới kể trên quy định cụ thể các tính năng không được chấp nhận của mỹ phẩm, nhằm hài hòa với quy định chung của ASEAN. “Không được công bố các tác dụng mạnh như trị cái này, chữa cái kia vì mỹ phẩm chỉ là sản phẩm làm thơm, làm đẹp, còn sản phẩm có tác dụng điều trị như trị mụn, trị nấm nên đăng ký là thuốc” - ông Tiến cho biết.

Khảo sát trên thị trường cho thấy các quảng cáo/công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm rất tập trung vào tác dụng trị mụn, chữa mụn, giảm béo đặc trị, làm săn chắc, ngăn ngừa thoái hóa do tuổi tác, loại bỏ gàu...

Trên trang web nuochoa... có quảng cáo bộ trị mụn mini giá 730.000 đồng. Trên trang vatgia... cũng quảng bá rất nhiều sản phẩm dầu gội có tính năng trị gàu, ngăn rụng tóc, thậm chí có cả sản phẩm làm đen tóc bạc mà không cần nhuộm, không lo dị ứng... Với thời gian thực hiện quy định mới còn chưa đầy một tháng, rõ ràng Bộ Y tế có rất nhiều việc phải làm.

Sẽ phạt nặng

Theo Bộ Y tế, kể từ 1-4, sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo an toàn mỹ phẩm, đặc biệt về thành phần chất màu, chất cấm (như chì, asen, thủy ngân), chất lọc tia tử ngoại, chất bảo quản... sẽ phải thu hồi, không được lưu thông trên thị trường.

Theo đại diện Bộ Y tế, quy định mới cho phép cơ quan chức năng lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng, trường hợp sản phẩm không đạt yêu cầu, cơ sở có sản phẩm kém phải chi trả phí xét nghiệm. Mức chế tài cũng tăng nặng: kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm chất lượng kém, gây hại sức khỏe người sử dụng sẽ bị thu hồi, đình chỉ lưu hành sản phẩm và phạt tiền, người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thay cho mức phạt tiền chỉ vài triệu đồng không đủ sức răn đe như hiện nay.

Quy định rất chặt chẽ, nhưng thực tế liệu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan có đủ sức thực thi nhằm giúp người dùng phân biệt được mỹ phẩm và thuốc, ngăn ngừa tình trạng quảng cáo mỹ phẩm quá mức? Nói đâu xa, ngay tại Hà Nội một hệ thống chuyên bán mỹ phẩm giả, nhái sản phẩm nổi tiếng hoạt động công khai 2-3 năm nay, nhưng ngành y tế cho rằng chống hàng giả là việc của... quản lý thị trường.

Hướng dẫn mới của Bộ Y tế khẳng định việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm sẽ không bỏ qua bất kỳ điểm bán hàng nào, kể cả chợ bình dân, cơ sở làm đẹp, phòng khám da liễu. Đồng thời khuyến cáo các nhà sản xuất thay tính năng sản phẩm từ các từ “mạnh” sang các từ nhẹ hơn và mang tính mỹ phẩm hơn! Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng trong tình hình thị trường đa dạng, sản phẩm đa dạng, việc cấm công bố các tính năng điều trị của mỹ phẩm chỉ có thể là cấm trên hồ sơ, còn trên thị trường trước mắt sẽ khó cấm.

TTO

Không có nhận xét nào